Cách chăm lan mùa hè hiệu quả không sợ nắng và bệnh tật

Cách chăm lan mùa hè hiệu quả không sợ nắng nóng, bệnh tật

Chăm lan mùa hè sao cho hiệu quả là vấn đề quan tâm hàng đầu của những người yêu lan. Thực tế chỉ ra rằng mùa hè nắng nóng là mùa cây lan rất dễ bị khô héo và bị sâu bọ tấn công nhất.

Thế nên, nếu bạn không có chế độ chăm sóc khoa học cho vườn lan. Thì cây lan của bạn có thể bị còi cọc, thậm chí có thể bị chết hàng loạt không có điểm dừng. Dưới đây là những kinh nghiệm chăm sóc lan vào ngày hè nắng nóng, mà Momyshop muốn chia sẻ đến bạn.

Nắm vững kỹ thuật chăm sóc lan mùa hè dưới đây bạn sẽ không còn lo ngại nắng nóng kéo dài. Thậm chí, còn tự tin khi vườn lan mình ngày càng khỏe mạnh khi được chăm sóc kỹ càng hơn.

Chăm lan mùa hè nắng nóng cần chuẩn bị những gì

Chuẩn bị rào, lưới chu đáo

Chuẩn bị lưới che lan kỹ càng khi mùa hè đến
Nếu như trước đây vườn lan của bạn mới chỉ có một lớp lưới che mái. Thì đây là lúc bạn nên lợp thêm một lớp lưới nữa, để lan có thể chịu được nắng nóng cao điểm ngày hè.

Đối với các lưới che xung quanh, bạn nên mở ra để giúp vườn lan lưu thông gió tốt hơn. Tuy nhiên, các hướng: Tây, Bắc và Tây – Bắc, thì vẫn nên che ở phía bên trên để tránh nắng xiên chiếu xuống vườn lan.

Ngoài ra, nếu vườn lan của bạn có nhiều tầng, thì bạn nên chuyển lan xuống vị trí thấp hơn để cây không bị hầm nhiệt.

Các vật tư cần thiết khác mà bạn nên chuẩn bị

Trang bị máy đo nhiệt độ, độ ẩm cho vườn lan vào ngày hè nắng nóng
Không chỉ riêng: cách chăm lan mùa mưa mới cần máy đo nhiệt độ, độ ẩm. Mà cách chăm lan mùa hè cũng cần thiết không kém.

Khi hè về, thì bạn nên trang bị ngay máy theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Thì mới dễ dàng kiểm soát được khí hậu ở vườn lan.

Gắn thêm các loại rêu Chi Lê hoặc các loại rêu rừng để hạ nhiệt cho cây lan

Bạn cũng nên mua thêm rêu Chile cho vào túi lưới nhỏ, rồi bỏ gần mép chậu của cây lan. Cách làm này sẽ giúp cây lan giữ nước và giữ ẩm tốt hơn.

Đá bọt được gắn quanh thành chậu lan để giúp lan hạ nhiệt ngày hè nắng nóng

Bạn có thể bỏ thêm đá bọt size lớn từ 4 đến 5cm ở mép ngoài cùng của chậu. Khi rêu Chile được làm ướt sẽ giúp đá bọt hạ nhiệt chậu lan tốt hơn.

Nếu vườn lan của bạn được trồng trên sân thượng. Bạn nên lắp thêm các khay đựng nước ở dưới sàn. Nước từ khay này bốc hơi lên sẽ làm mát chậu lan rất hiệu quả.

Nếu vườn lan của bạn có quy mô lớn. Thì bạn nên lắp quạt tạo gió và máy tạo độ ẩm, thì dễ dàng kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tốt hơn.

Mình tin rằng khi bạn chuẩn bị đầy đủ các bước trên, bạn sẽ yên tâm phần nào khi nắng nóng kéo dài.

Chế độ tưới nước phù hợp khi chăm lan mùa hè

Mình thấy rằng có nhiều bài báo và video chia sẻ: quy trình tưới nước cho lan vào ngày nắng nóng với các cách khác nhau.

Nhưng chung quy lại, phương pháp phổ biến nhất là:

  • Bạn nên tưới lan vào buổi sáng thật sớm hoặc là vào chiều mát.
  • Khi tưới thì nên tưới ướt đẫm hết cả toàn bộ bề mặt cây lan, giá thể và khu vực vườn lan.
  • Đối với vườn lan trên sân thượng hoặc ban công, thì bạn nên mở vòi tưới ướt sàn trước. Rồi sau đó mới tưới cây thì cây lan sẽ không bị sốc nhiệt.

Tưới nước đúng cách cho vườn lan nhỏ và trung bình

Đối với vườn lan có quy mô nhỏ và trung bình, thì khi tưới lan bạn có thể áp dụng cách tưới sau để đạt hiệu quả cao cho việc chống nắng.

Cách tưới đúng cách cho cây nhỏ

Ngâm hẳn chậu lan nhỏ vào chậu nước nếu mùa hè quá nắng gắt
Ngâm cả chậu lan vào thau nước có mực nước cao vừa tới mép chậu lan. Sau đó, xịt ướp đẫm toàn thân cây lan rồi đem treo trở lại giàn.

Cách tưới đúng cách cho cây lan trưởng thành

Sử dụng vòi xịt dạng tia để tưới cho vườn lan nhỏ và trung bình với cây lan đã trưởng thành

Bạn nên tưới ướt đẫm từ phần giữa thân xuống giá thể để cây quen dần với nhiệt độ. Rồi mới quay lại tưới phần tán lá bên trên vì phần tán lá bên trên rất dễ bị bỏng nhiệt.

Tưới lan đúng cách cho vườn lan quy mô rộng kiểu trang trại

Nên sử dụng béc tưới lan đối với vườn lan có quy mô lớn để tiết kiệm thời gian và chi phí

Với vườn lan quy mô rộng, thì bạn nên bật béc tưới lan cách nhau 2 tiếng (từ 4h tới 10h) vào buổi sáng. Và bật béc tưới lan một lần duy nhất (từ 18h tới 20h) vào buổi tối. Sau khi tưới lần cuối vào buổi tối, thì bạn nên bật quạt từ 3 đến 4 tiếng để giúp vườn lan khô ráo trở lại.

Chế độ phân thuốc phù hợp khi chăm lan mùa hè

Một số ý kiến cho rằng: bạn tuyệt đối không nên bón phân vào ngày mùa nắng nóng. Tuy nhiên mình không hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên

Mặc dù mùa hè cây hấp thụ phân rất chậm, bón phân có thể dẫn đến nguy cơ cháy rễ. Tuy nhiên, nếu vườn lan của bạn kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tốt thì bạn vẫn có thể bón phân 1 cách khoa học ở mức vừa phải để giúp cây tăng trưởng mạnh hơn, đủ sức bước vào mùa hoa.

Phân vô cơ phù hợp

Bộ đôi phân bón tan chậm phù hợp cho lan vào mùa hè

Các loại phân vô cơ phù hợp để bảo bón vào mùa nắng đó là phân đầu trâu KNO3 hàm lượng 13-0-46, hoặc các loại NPK hàm lượng 14-14-14.

Cách sử dụng hợp lý đó là:

Cứ 15 ngày một lần, bạn dùng 2gr 13-0-46 hoặc 14-14-14 kết hợp với 5 giọt B1. Tất cả hòa chung với 1 lít nước để tưới cho lan. Và nên phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

Phân hữu cơ phù hợp

Phân hữu cơ Power Feed hoàn toàn phù hợp cho cây lan vào ngày hè nắng nóng nếu biết dùng đúng liều lượng

Loại phân hữu cơ cực kỳ cần thiết cho lan vào ngày nắng đó là Power Feed. Power Feed có đầy đủ nguyên tố đa lượng, vi lượng, vitamin và các khoáng chất khác… Nên giúp cây tăng trưởng tự nhiên và hấp thụ ánh sáng tốt hơn.

Cách sử dụng Power Feed cụ thể như sau:

Cứ 7 ngày một lần, bạn sử dụng 2ml power feed pha chung với 1 lít nước để tưới cho hoa lan.

Bạn nên tưới vào buổi chiều muộn, hoặc buổi tối ngay sau khi tưới nước khoảng 15 phút, để đạt hiệu quả cao nhất.

Phân bán hữu cơ

Dòng phân bón bán hữu cơ Acroots cũng rất cần thiết cho người chăm lan vào mùa hè

Loại phân cuối cùng mà bạn nên bổ sung vào ngày nắng nóng đó là Acroots. Acroots với thành phần NAA và Auxin sẽ giúp cây có bộ rễ khỏe mạnh, từ đó mà luân chuyển nước tốt hơn. Khi cây được luân chuyển nước tốt hơn, thì cây sẽ không còn sợ nắng nóng vào thời kì cao điểm.

Cách sử dụng Acroots hiệu quả như sau:

Dùng 1ml Acroots cùng với 1 giọt Super Thrive, để hòa chung với 1 lít nước tưới cho lan. Tần suất nên dùng là 1 tháng/ 1 lần và nên phun vào sáng sớm

hoặc chiều muộn.

Các bệnh phổ biến ở phong lan vào mùa hè nắng nóng và biện pháp xử lý

Bệnh vàng lá ở phong lan vào mùa hè

Đây là bệnh mình thấy phổ biến ở cả dòng thân thòng như: Phi điệp, Long Tu, Hạc Vỹ,…Đến những dòng đơn thân như: Ngọc Điểm, Đuôi Chồn, Đuôi Sóc,…Cây khi mắc bệnh này không chết ngay, nhưng nhìn mất thẩm mỹ và suy kiệt dần.

Nguyên nhân:

Bệnh vàng lá có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên đối với mùa nắng nóng thì thường là: do cây chịu nắng quá nhiều dẫn đến mất nước và vàng lá. Ngoài ra nếu bạn sử dụng phân thuốc quá liều, thì cây lan cũng xảy ra tình trạng vàng lá.

Triệu chứng:

Dấu hiệu nhận biết bệnh vàng lá của hoa lan vào mùa hè

Lá cây bị vàng theo từng khoảng hoặc vàng hết toàn bộ phiến lá… mà không xuất hiện các chấm nhỏ li ti như kiểu vàng lá do sâu bệnh.

Biện pháp xử lý:

Bộ đôi phân thuốc trị bệnh vàng lá cho lan

Nếu nguyên nhân là do ánh nắng chiếu quá độ, thì bạn nên mang cây ra khu vực có ánh nắng chiếu ít hơn. Hoặc cần thiết thì che thêm một lớp lưới, để hạn chế ánh nắng chiếu xuống cây lan.

Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng thuốc Amino Quelant-05, để hỗ trợ điều trị cho cây lan bằng cách sử dụng như sau:

  • Dùng 1,5 ml Amino Quelant-05 hòa chung với 1 lít nước để phun cho lan.
  • Nên phun từ 3 đến 4 lần, cách nhau 7 ngày thì cây sẽ mau khỏi bệnh.

Nếu lan bị vàng lá do phun thuốc quá liều, thì bạn xử lý bằng cách hòa 2ml B12 với 1 lít nước, để phun cho lan từ 3 đến 5 lần cách nhau 3 ngày, thì cây sẽ chấm dứt tình trạng vàng lá.

Bệnh thối đọt ở hoa lan vào mùa hè

Đây là bệnh cũng phổ biến ở cây lan vào mùa hè nắng nóng. Cây lan khi mắc bệnh này nếu không chữa trị kịp, sẽ dễ mắc thêm bệnh thúi nhũn và lây lan cả vườn. Vậy nên, bạn cần phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân chủ yếu là do lan bị bỏng nhiệt, dẫn đến vỡ màng tế bào. Nên vi khuẩn Erwinia Carotovora dễ dàng tấn công và gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết:

Dấu hiệu nhận biết bệnh thối đọt của phong lan vào mùa hè

Khu vực đọt lá ban đầu xuất hiện vài chấm nhỏ màu nâu. Sau đó, chấm nhỏ này hóa đen gây thối hết đọt lan, rồi lan dần xuống thân cây lan.

Biện pháp xử lý:

Bạn nên cách ly cây ra khỏi vườn lan, để cây không lây bệnh sang các cây khác. Rồi dùng kéo hoặc dao sắc đã sát khuẩn để cắt tỉa phần đọt đã bị hư đi. Sau đó bôi keo liền sẹo và sử dụng thuốc Poner kết hợp với Benkona để ngăn ngừa bệnh cho cây.

Cách kết hợp thuốc hiệu quả:

Bộ đôi phân thuốc cực kỳ hữu hiệu để trị bệnh thối đọt cho lan vào mùa hè

Dùng một viên Poner kết hợp với 10ml Benkona, hòa chung với 20 lít nước. Dùng dung dịch đã pha để tưới cho cây lan từ 5 đến 7 lần, cách nhau 5 ngày. Trong thời gian này bạn nên cắt nước hoàn toàn đến khi cây ngừng bệnh. Và đó cũng là những chia sẻ cuối cùng của Momyshop về cách chăm sóc lan mùa hè. Trong bài viết mình đã cố gắng tóm gọn lại các ý chính, để bạn dễ dàng trong việc thực hiện.

Chắc chắn rằng bài viết chưa thể đầy đủ hết được tất cả kiến thức. Vậy nên, mình rất mong các bạn góp ý thêm kinh nghiệm. Để mình có thể có thể hoàn thiện bài viết hơn và chia sẻ kiến thực mới nhất đến mọi người. Momyshop trân trọng cảm ơn và gửi đến lời chào thân thương nhất!

 

One thought on “Cách chăm lan mùa hè hiệu quả không sợ nắng nóng, bệnh tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top